![]() |
MIỆNG TỪ BI, LƯỠI PHƯƠNG TIỆN - CÓ TIỀN, KHÔNG TIỀN ĐỀU TẠO ĐỨC ĐƯỢC |
Nếu quý vị muốn học Quán Thế Âm Bồ Tát thì quý vị phải đi cứu người giúp đời, lợi ích quần sanh. Có người nói: "Tôi không có khả năng gì cả—thứ nhất, tôi không có tiền; thứ hai, tôi không biết thuyết giảng Phật pháp, không khéo ăn nói. Vậy thì tôi làm sao mang lại lợi ích cho nhân loại được?"
Tôi bảo cho quý vị biết: Quý vị có "miệng từ bi, lưỡi phương tiện." "Miệng từ bi" tức là có lòng nhân từ, không chửi mắng người khác. "Lưỡi phương tiện" tức là dùng căn lưỡi của mình làm phương tiện, chứ không phải để nói chuyện thị phi. Ví như có xảy ra sự xích mích gì đó, mà quý vị, bằng phương tiện quyền xảo giảng nói, làm cho đôi bên được hòa giải, hoặc bằng lời lẽ khéo léo mà hóa giải được các tranh chấp trên thế gian, dập tắt được hiểm họa chiến tranh thế giới—đó là quý vị dùng "lưỡi phương tiện" vậy.
Có câu:
"Miệng từ bi, lưỡi phương tiện,
Có tiền, không tiền đều tạo đức được."
Có tiền hay không có tiền đều có thể tạo được công đức như nhau. Ðương nhiên có tiền thì cũng có tốt hơn đôi chút, nhưng nếu quý vị không có tiền thì bất tất phải lo buồn, cũng chẳng nên nghĩ: "Tôi nghèo quá, làm sao làm việc phước đức được?" Làm việc công đức cốt là để cho quý vị nuôi dưỡng lòng hảo tâm, biết làm việc từ thiện, và làm một con người tốt.
"Bồ Tát" là Phạn ngữ, nói đầy đủ là "Bồ Ðề Tát Ðỏa." "Bồ Ðề" dịch nghĩa là "giác"; còn "Tát Ðỏa" là "hữu tình." Vậy, Bồ Tát có nghĩa là một người đã giác ngộ giữa đám hữu tình, và cũng có nghĩa là một người đi giác ngộ tất cả chúng hữu tình. Thế nào gọi là loài "hữu tình"? Tất cả các loài có khí huyết đều được gọi là loài hữu tình. Loài không có khí huyết thì cũng là chúng sanh, song chúng là vô tình—không có tình cảm, không có cảm giác.
Người ta thường nói: "Nhân phi thảo mộc, thục năng vô tình? (Con người nào phải cỏ cây, sao nỡ vô tình?)" Câu này ý nói cỏ cây là vô tri vô giác, không có tình cảm; nhưng thật ra, cỏ cây cũng có tình cảm vậy, chẳng qua là thứ tình cảm mê muội, không sáng suốt. Vì sao không sáng suốt? Vì chúng toàn làm những việc ngu si cho nên mới bị biến thành cỏ cây gỗ đá. Chúng là một trong mười hai loại chúng sanh.
Cảnh giới của Quán Thế Âm Bồ Tát vốn bất khả tư nghì. Chính vì cảnh giới bất khả tư nghì này rất bất khả tư nghì, cho nên tôi không thể nào diễn tả được! Bây giờ tôi kể cho quý vị nghe một công án.
Trích từ "GIẢNG GIẢI Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni Kinh "
Hán dịch: Sa Môn Già Phạm Ðạt Ma
Thiển giảng: Hòa Thượng Tuyên Hóa.
( Nguồn : Chúc Sơn Trang Nguyễn Thái)
Đăng nhận xét