NẾU "BIẾT ĐỦ", CHÚNG TA SẼ LUÔN ĐƯỢC AN LẠC VÀ TINH TẤN ĐỂ TU TẬP

(Trích Kinh Pháp Cú )

 NẾU "BIẾT ĐỦ", CHÚNG TA SẼ LUÔN ĐƯỢC AN LẠC VÀ TINH TẤN ĐỂ TU TẬP

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng Pháp, có đề cập đến vị Trưởng lão Ni-Ga-Ma là một tỳ-kheo rất biết đủ.
Tỳ-kheo Ni-Ga-Ma sanh trưởng tại một thành phố nhỏ thuộc nước Xá-vệ.
Khi gia nhập tăng đoàn, tỳ-kheo Ni-Ga-Ma sống một cuộc đời hết sức giản dị, luôn luôn biết đủ, chẳng có những ham muốn đòi hỏi nhiều như người đời.
Hằng ngày, đi khất thực, ông thường quay về làng cũ, nơi đây thân nhân của ông đã chờ sẵn để cúng dường. Ông chẳng hề tham dự các cuộc đại bố thí do Trưởng giả Cấp-Cô-Độc hay Vua Ba-Tư-Nặc tổ chức.
Lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ-kheo khác bàn tán về thái độ của Trưởng-lão Ni-Ga-Ma...
Họ cho rằng Trưởng lão còn giữ sự lưu luyến đến các thân nhân, chưa cắt đứt được sự luyến ái.
Khi sự việc trình lên Đức Phật, Ngài liền cho gọi Trưởng lão Ni-Ga-Ma đến hầu.
Đức Phật hỏi duyên cớ vì sao Trưởng lão cứ khất thực ở các nhà thân nhân cũ?
Trưởng lão cung kính bạch rằng:
- Quả thật! Trưởng lão có quay về làng cũ để khất thực nơi nhà thân nhân nhưng khi được đủ số cần dùng thì thôi chẳng đi đến các nhà khác nữa.
Và Trưởng lão cũng chẳng màng được thức ngon hay vật dở, khi thọ thực.
Bấy giờ, Đức Phật thay vì khiển trách, lại hết lời khen ngợi thái độ và đức hạnh của Trưởng lão Ni-Ga-Ma.
Hướng về các vị tỳ-kheo khác, Đức Phật khuyên nên noi gương biết đủ của Trưởng lão Ni-Ga-Ma, hãy bằng lòng với những gì mình có, đừng quá đòi hỏi, đừng ham muốn nhiều, hãy sống đúng theo các nguyên tắc mà các Đức Phật và các bực Thánh đã đặt ra...
Rồi Đức Phật mới kể một câu chuyện về tiền kiếp của Ngài như sau:
"Vào một thời xa xưa, có một con Két chúa sống trong một khu vườn cây sung, bên bờ sông Hằng, cùng với một đàn két đông đảo.
Khi ăn hết tất cả các trái sung chín, đàn két liền bay đi nơi khác tìm thức ăn, chỉ còn két chúa ở lại mà thôi, vì két chúa sống rất đơn giản, chẳng màng là trái chín, trái sống, hay nếu chẳng có trái thì cũng còn lá, còn cành, còn rễ, vẫn đủ để no dạ.
Bấy giờ vị Thiên-Chủ- Sắc-Ca( Vua Đế-Thích ở cõi Trời ) muốn thử lòng của Két chúa, mới dùng thần thông làm cho cây sung bị héo tàn.
Rồi vị Thiên Chủ cùng Hoàng Hậu biến hình thành một cặp ngỗng, đi đến bên cây sung khô héo,và hỏi Két chúa:
- Tại sao lai còn ở mãi tại đây, chẳng bay đi nơi khác mà tìm hoa trái?
Két chúa đáp:
- Bởi vì nếu bay đi, tôi cảm thấy mình chẳng biết ơn cây sung này. Tôi cứ ở mãi nơi đây khi mà tôi còn tìm thấy chút gì, đủ để nuôi mình sống. Tôi sẽ là kẻ bạc ơn nếu tôi bỏ đi khi thấy cây đã héo.
Thiên- Chủ rất cảm động trước lời đáp chân thành của Két chúa, liền hóa thân như cũ và múc nước sông Hằng tưới lên cây sung. Cây trở nên xanh tươi, trái sai, nặng trĩu oằn cả nhánh".
Kết thúc câu chuyện, Đức Phật dạy rằng:
"Bậc hiền trí, dầu là súc sanh đi nữa, luôn luôn biết đủ, rất bằng lòng với những gì mình đang có".
Và Đức Phật cho biết thêm, Két chúa kia chính là tiền thân của Đức Phật, còn Thiên-Chủ- Sắc-Ca là tiền thân của Tôn Giả A-Nâu-Lâu-Đà (đại-đệ tử của Đức Phật Thích Ca).
Bấy giờ, Đức Phật mới đọc bài Kệ sau đây:
"Tỳ-kheo nào sợ nguy phóng dật,
Lại an vui, tỉnh giác trong lòng,
Chẳng hề thối đọa long đong,
Niết Bàn ngưỡng cửa đã trông gần kề".
🙏
Ý NGHĨA CỦA TÍCH CHUYỆN:
Tích chuyện kể lại hai việc:
- Cuộc sống biết đủ của Trưởng lão Ni-Ga-Ma.
- Tiền-thân của Đức Phật dưới thân hình con chim Két chúa.
Cả hai chuyện đều đề cao thái độ tri túc trong cuộc sống, biết bằng lòng với những gì mình có, chẳng tham cầu, chẳng đòi hỏi, biết tiết chế trong việc uống ăn.
Người biết đủ về phương diện vật chất, lại thêm tinh cần, tỉnh giác trong lòng, thì sớm chứng được Niết Bàn vô thượng.
🙏
TA HỌC TẬP ĐƯỢC GÌ Ở HAI TÍCH CHUYỆN TRÊN?
1. Học tập về đức tánh "BIẾT ĐỦ" của Trưởng lão Ni-Ga-Ma:
- Mặc đúng thời trang chẳng phải là điều đáng trách, nhưng quá chú trọng đến cách phục sức là điều cần tránh.
Chẳng nên quá cầu kỳ trong sự chưng diện, sạch sẽ, tươm tất mới là điều cần thiết đánh giá bề ngoài của con người.
Tránh các màu sắc quá loè loẹt, giầy cao su cũng tốt, vừa tiết kiệm được tiền bạc, vừa giữ được giới sát sanh. Cần chi đến giầy bằng da cá sấu, áo lông cừu, da hải cẩu...v.v.
- Giải-trí cần sự thanh tịnh để tỉnh dưỡng tinh thần: Các buổi nhạc hội quá ồn ào, các màn trình diễn quá dâm tục, chẳng những trái với đạo lý, đã tốn tiền, tinh thần bị đầu độc thêm ra.
Đọc sách, đi bộ tiêu khiển, đi xe đạp, thăm viếng các cảnh chùa chiền hay thánh đường, du ngoạn nơi thanh tịnh, thường làm cho tinh thần bớt căng thẳng.
2.Học tập về sự chẳng luyến ái:
- Luyến ái là tình-cảm cần tránh, vì tuy bắt nguồn từ tình thương, nhưng luyến ái khiến ta đắm mê, bám chặt vào đối tượng.
Luyến ái chính là một phần của sự tham ái (tanha), tức là lòng mong muốn, tham cầu, gom về mình, rồi bám vào sự sống với các thú vui, do đó mà bị ràng buộc vào cảnh sanh tử của Luân-Hồi khổ đau triền miên.
Trong Bốn Chân Lý Nhiệm Mầu, khi nói đến nguyên nhân gây ra khổ đau, Đức Phật đã chỉ rõ chính vì sự tham ái mà chúng sanh phải trôi lăn trong cảnh khổ đau chết đi sống lại mãi mãi.
Vậy, xin tạm đề nghị vài ba việc thường gặp
- Bớt "cưng" con( giảm sự chiều chuộng, không phải không được thương con)
- Bớt "cưng" xe cộ, những thứ cho là quý giá đắt tiền...
- Bớt hút thuốc, nhai kẹo, v.vv…!
Và còn nhiều vấn đề khác nữa không tiện nêu tên.vv...
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT __()__
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT __()__ XIN THƯƠNG NIỆM !
Nguồn: chuyện nhân quả

HÃY ĐỂ LẠI NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT

Mới hơn Cũ hơn